Những điều người thành công làm vào ngày đầu tiên sau nghỉ lễ

du lich

Người thành công sẽ không vội vàng kiểm tra hòm thư điện tử và trả lời mọi email tồn đọng vào ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ.

Trở lại nhịp sống thường nhật sau những ngày thảnh thơi tắm nắng trên bãi biển, nhâm nhi cocktail hay vài buổi sáng trễ nải… luôn là điều khiến nhiều người e ngại hậu nghỉ lễ. Nhưng trở lại với chốn công sở không phải là cơn ác mộng, thực tế có những bước nhất định bạn có thể làm trong ngày đầu tiên đi làm, để khiến khoảng thời gian sau đó suôn sẻ hơn, theo Business Insider.

Đừng làm việc kín lịch

Bạn không nên lao vào hàng loạt cuộc họp hay giải quyết công việc ngay ngày đầu tiên trở lại với công việc, điều đó chỉ khiến bạn thêm choáng ngợp và mất phong độ. “Lý tưởng nhất là cố gắng sắp xếp để ngày đầu tiên không phải họp hành hay gặp gỡ đối tác – hãy tạo càng nhiều không gian để “thở” càng tốt để bạn có một ngày thoải mái, đủ để bắt kịp nhịp làm việc và không sốc”, trích lời Michael Kerr, diễn giả doanh nhân và tác giả cuốn The Humor Advantage.

Ai cũng dễ lao vào công việc ngay sau kỳ nghỉ. Ảnh: Adam Berry.

Ai cũng dễ lao vào công việc ngay sau kỳ nghỉ. Ảnh: Adam Berry.

Kerr đề xuất chiến lược: “Dành vài phút để lập kế hoạch cho ngày của bạn trước khi đi sâu vào từng việc cụ thể, tập trung vào các ưu tiên và không ngại nhờ đồng nghiệp hỗ trợ”.

Cập nhật tình hình

Ryan Kahn – chuyên gia tư vấn sự nghiệp – cho rằng một người thành công chốn văn phòng cần biết mình đã bỏ lỡ những gì trong kỳ nghỉ trước khi xem kỹ từng email trong hòm thư: “Hãy kiểm tra xem có những sự kiện nổi bật hay thay đổi nào đã xảy ra. Nhờ vậy bạn sẽ tổng hợp lại thông tin để tăng tốc xử lý công việc chi tiết”.

Đắm chìm trong hòm thư điện tử

Bạn nên để ý tới thời gian đọc email gửi tới trong kỳ nghỉ. Tác giả Kerr cho biết: “Thật dễ để bạn lao vào trả lời mọi email, mà không cân nhắc xem đó có phải là cách sử dụng thời gian tốt nhất vào ngày đầu tiên trở lại văn phòng hay không. Đừng nhầm lẫn giữa hoạt động trả lời email với xử lý công việc hiệu quả, vì vậy hãy đặt ra chiến lược và chỉ trả lời email cần gấp”.

Chào hỏi đồng nghiệp

Một khi đã trở lại văn phòng, bạn nên trò chuyện với sếp và đồng nghiệp để họ biết bạn đang làm gì. Lynn Taylor, một tác giả của cuốn Tame Your Terrible Office Tyrant: How to Manage Childish Boss Behavior and Thrive in Your Job, cho biết điều quan trọng là giữ cho những câu chuyện ngắn gọn và thoải mái. 

Trò chuyện với đồng nghiệp vào đầu ngày giúp không khí sôi nổi hơn. Ảnh: Flickr.

Trò chuyện với đồng nghiệp vào đầu ngày giúp không khí sôi nổi hơn. Ảnh: Flickr.

Bạn nên gửi lời nhắn tới đối tác hoặc khách hàng trong ngày đầu tiên hậu nghỉ lễ. “Dành thời gian để kết nối với một hoặc hai khách hàng, để họ biết bạn thực sự nghĩ đến họ và sẵn sàng hỗ trợ bất cứ lúc nào bởi bạn đã quay lại làm việc. Đó là một cử chỉ đơn giản khi làm dịch vụ khách hàng, nhưng có thể để lại ấn tượng sâu sắc”, theo Kerr.

Chăm sóc bản thân

Có thể bạn sẽ bị cuốn vào công việc sau kỳ nghỉ, nhưng hãy cho bản thân thời gian nghỉ ngơi. Kerr nhận định điều đó dễ khiến bạn căng thẳng hơn, làm nhiều hiệu quả ít mà lại dễ sai lầm.

“Hãy thư giãn thêm trong ngày, đảm bảo thời gian nghỉ dài hơn bình thường. Bạn cần tạo một khoảng để chuyển mình”, cô nói. Tác giả này cũng nói thêm rằng, bạn cần quay lại thời gian biểu thông thường và cố gắng đi ngủ sớm.

Tập trung

“Mọi người có thể hỏi han rằng kỳ nghỉ của bạn thế nào. Mạng xã hội và những dòng tin tức mới có thể khiến bạn ngợp, cảm thấy như thể bạn đã mất liên lạc với bạn bè và chậm nhịp so với cả tế giới”, Taylor nói.

Đừng lãng phí thời gian để tán dóc hay lướt chuột đọc hết mọi tin tức, bạn cần tập trung vào công việc. Nếu muốn khoe những tấm ảnh hay kể chuyện về kỳ nghỉ, bạn nên đợi tới giờ ăn trưa nếu không muốn làm nhịp độ của cả đội chùng xuống.

Để kỳ nghỉ tiếp sức

Thay vì cảm thấy chán nản vì phải quay lại văn phòng, bạn hãy nghĩ lại những kỷ niệm trong chuyến đi vừa qua với thái độ tích cực. “Cố gắng kéo dài tâm trạng hứng khởi của bạn trong chuyến đi nhiều nhất có thể. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tâm trí mình”, theo Lynn Taylor.

vnexpress – Phạm Huyền

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *